Cuộc đời Công_chúa_Quán_Đào

Thân thế và thời trẻ

Công chúa là con gái trưởng của Hán Văn Đế Lưu Hằng - con trai thứ tư của Hán Cao Tổ Lưu Bang cùng Bạc phu nhân. Mẹ bà là Hiếu Văn Đậu Hoàng hậu, người Quan Tân, quận Thanh Hà (nay là khu vực huyện Vũ Ấp, thành phố Hành Thủy thuộc Hà Bắc, Trung Quốc). Khi đó, cha bà Hán Văn Đế Lưu Hằng còn làm Chư hầu vương ở nước Đại, mẹ bà Đậu thị khi ấy là thiếp của Lưu Hằng, sinh ra Lưu Phiêu là người con lớn nhất. Không lâu sau, Đậu thị sinh thêm Lưu Khải (tức Hán Cảnh Đế) cùng Lưu Vũ.

Đến năm 180 TCN, khi Lưu Hằng lên ngôi, em trai bà là Lưu Khải được lập làm Hoàng thái tử, mẹ bà là Đậu thị do vậy "mẹ quý nhờ con" mà cũng thành Hoàng hậu, bản thân bà là con gái lớn nhất của Văn Đế, do vậy được phong làm Trưởng công chúa, đất phong ở huyện Quán Đào, do vậy xưng gọi là [Quán Đào công chúa; 馆陶公主] hay đơn giản là Trưởng công chúa (長公主), lại được gọi tắt thành Trưởng chúa (長主; còn phiên Trưởng chủ). Một em trai khác là Lưu Vũ được phong làm Lương vương[1][2].

Khi đến tuổi trưởng thành, Lưu Phiêu thành hôn với Đường Ấp hầu Trần Ngọ (陳午)[3], cho nên bà còn được gọi là [Đường Ấp Trưởng công chúa; 堂邑長公主]. Bà sinh được hai người con trai, một người con gái; Đường Ấp hầu Trần Tu (陳鬚), Long Lự hầu Trần Kiểu (陳蟜) và một con gái duy nhất. Nhà họ Trần dòng dõi công thần, vào năm Hán Ván Đế thứ 3 (177 TCN) thì Trần Ngọ trở thành Đường Ấp hầu thứ ba của dòng họ này, ước chừng đây là thời gian mà Lưu Phiêu thành hôn với ông[4].

Định hôn cho con gái

Năm Hán Văn Đế Hậu Nguyên thứ 7 (157 TCN), Hán Văn Đế Lưu hằng giá băng, Thái tử Lưu Khải lên nối ngôi, tức là Hán Cảnh Đế.

Lúc bấy giờ, với tư cách là chị của Hoàng đế và sự dung túng của mẹ là Đậu Thái hậu, thế lực của Quán Đào công chúa ngày một lớn, bà thường tự do ra vào hậu cung. Bà giữ quan hệ mật thiết với Hán Cảnh Đế, thường xuyên hiến tặng mỹ nữ khiến Lịch Cơ - sủng phi của ông ghi hận. Sau khi Bạc Hoàng hậu bị phế, Cảnh Đế lập trưởng tử Lưu Vinh, con trai Lịch Cơ làm Hoàng thái tử[5]. Quán Đào muốn con gái làm Hoàng hậu tương lai nên ngỏ ý gả con cho thái tử Lưu Vinh[6][7], kết quả bị Lịch Cơ cự tuyệt khiến bà căm phẫn[8].

Nhân dịp đó, Vương phu nhân - phi tần khác của Hán Cảnh Đế bày mưu giành ngôi Thái tử cho con mình là Giao Đông vương Lưu Triệt, nên đã chấp nhận lời quan hệ hôn nhân với Trưởng công chúa[9]. Trưởng công chúa đồng ý liên thủ với Vương phu nhân, nói tốt Lưu Triệt trước mặt Cảnh Đế, gièm pha Lịch Cơ khiến ông không hài lòng. Vương phu nhân sau đó cùng Trưởng công chúa ngầm sai đại thần tấu thỉnh lập Lịch Cơ làm Kế Hoàng hậu. Hán Cảnh Đế đang chán ghét Lịch Cơ, cho rằng Lịch Cơ có mưu đồ xúi giục đại thần nên ra chiếu phế truất Thái tử Lưu Vinh, Lịch Cơ phẫn uất tự sát[10][11]. Năm Hán Cảnh Đế Tiền Nguyên thứ 7 (150 TCN), Hán Cảnh Đế phong Vương phu nhân làm Hoàng hậu, Lưu Triệt làm Thái tử, Trần thị trở thành Thái tử phi.

Câu chuyện này được tiểu thuyết Hán Võ cố sự phóng tác hết sức chi tiết. Nguyên văn:

漢景皇帝王皇后,納太子宮,得幸,有娠,夢日入其懷,景帝亦夢高。高祖謂己曰:「王美人得子,可名爲彘。」及生男,因名焉。是爲武帝。帝以乙酉年七月七日旦生於猗蘭殿。年四歲,立爲膠東王。數歲,長公主嫖抱置膝上,問曰:「兒欲得婦不?」膠東王曰:「欲得婦。」長主指左右長御百餘人,皆云不用。末指其女問曰:「阿嬌好不?」於是乃笑對曰:「好!若得阿嬌作婦,當作金屋貯之也。」長主大悅,乃苦要,上遂成婚焉。皇后既廢,栗姬次應立,而長主伺其短,輒微白之。上嘗與栗姬語屬諸姬子曰:「吾百歲後善視之」,栗姬怒弗肯應。又罵上老狗,上心銜之,未發也。長主日譖之,因譽王夫人男之美。王夫人陰告長主,使大臣請立栗姬爲後,上以爲栗姬諷之,遂發怒誅大臣、廢太子爲王。栗姬自殺,遂立王夫人爲後。膠東王爲皇太子,時年七歲,上曰:「彘者徹也。」因改徹。

...

Hán Cảnh Hoàng đế Vương Hoàng hậu, khi còn ở Thái tử cung, được sủng hạnh, có thai. Một tối, Đế nằm mơ thấy Cao Tổ nói rằng:「"Vương phu nhân nếu sinh là con trai, đặt tên là Trệ"」. Quả nhiên sinh ra con trai, lấy đó làm tên, đó chính là Vũ Đế. Năm ấy là năm Ất Dậu, ngày 7 tháng 7, (Vũ Đế) được sinh ra tại Y Lan điện. Năm 4 tuổi, lập làm Giao Đông vương.

Một lần, Trưởng công chúa Phiêu ôm vào lòng rồi hỏi:「"Con có muốn lấy vợ không?"」. Giao Đông vương nói:「"Có"」. Trưởng chúa chỉ vào đám đông hơn trăm người đứng cạnh gợi ý tiếp:「"Muốn người nào?"」. Giao Đông vương đều nguầy nguậy lắc đầu, tỏ ý không ưng. Trưởng chúa lại chỉ tay về phía con gái mình, rồi hỏi:「"Ta gả A Kiều làm vợ cho con được chăng?"」. Giao Đông vương nhoẻn cười đáp:「"Được ạ! Nếu lấy được A Kiều làm vợ, con sẽ cho đúc nhà vàng để cho nàng ở"」.

Trưởng chúa rất vui, bèn nói với Thượng (tức Hán Cảnh Đế), do đó hôn sự ban thành. Khi đó Hoàng hậu không con, lập con trai của Lịch Cơ làm Thái tử. Hoàng hậu đã bị phế, Lịch Cơ vị thứ, đáng nên lập, nhưng Trưởng chúa can thiệp, Lịch Cơ không vui, có buôn lời trách mắng để bụng. Thượng giao muốn phó các con trai chư vị Cơ thiếp giao Lịch Cơ, nói:「"Sau khi ta mất thì hãy chăm chúng nó"」, Lịch Cơ giận không đáp ứng, còn mắng Thượng như "Lão cẩu", Thượng để tâm. Trưởng chúa to nhỏ với Thượng, lại thấy con trai của Vương phu nhân có dung mạo đẹp, mà Vương phu nhân hiệp cùng Trưởng chúa, mật sai đại thần khuyên lập Lịch Cơ làm Hoàng hậu, Thượng cho rằng Lịch Cơ ở sau giật dây, phát nộ giết đại thần, rồi phế Thái tử làm Vương. Lịch Cơ tự sát, lập Vương phu nhân làm Hoàng hậu. Giao Đông vương làm Thái tử, khi đó 7 tuổi. Trong chiếu viết:「"Trệ, cũng là Triệt"」. Do đó cải tên thành Triệt.

— Hán Võ cố sự

Câu chuyện này về sau rất nổi tiếng trong văn hóa Trung Quốc, dưới cái tên Kim ốc tàng Kiều (金屋藏嬌), nghĩa là "Nhà vàng cất người đẹp". Câu chuyện nổi tiếng đến mức gần như trở thành chính sử, con gái bà Trần thị được gọi là [A Kiều] cũng từ điển tích này.

Hãm hại họ Vệ

Năm Hậu Nguyên thứ 3 (141 TCN), Hán Cảnh Đế băng hà, Thái tử Lưu Triệt lên ngôi, tức Hán Vũ Đế. Thái tử phi Trần thị trở thành Hoàng hậu[12][13][14]. Trong thời gian này, Quán Đào Trưởng công chúa được gọi là Đại Trưởng công chúa (大長公主)[15] hoặc Đậu Thái chủ (竇太主)[16]. Trong đó cách gọi ["Đậu Thái chủ"] tương đối lạ bởi vì đây là xưng hô phổ biến đời nhà Hán, lấy họ mẹ của công chúa mà gọi, mẹ của Thái chủ là Đậu Thái hậu, nên có lệ này.

Tình cảm hai người mặn nồng thuở sơ khai. Hán Vũ Đế thường lui tới cung của Trần Hoàng hậu mỗi khi tan triều, cùng bà tận hưởng những ngày quấn quýt yêu thương. Về sau, Trần hậu không sinh được con nên bị thất sủng[17]. Nhiều sử gia cho rằng, Hán Vũ Đế Lưu Triệt xem trọng Trần Hoàng hậu chỉ vì bà là con gái của Quán Đào công chúa, vì Quán Đào công chúa có ơn trong việc phò trợ ông đăng cơ nên mới phải ngậm bồ hòn làm ngọt, lập Trần thị làm Hoàng hậu. Trần Hoàng hậu được ghi lại rằng từ bé được nuông chiều nên tính nết ương ngạnh, cậy được Đậu Thái hậu sủng ái, lại có mẹ là Trưởng công chúa từng lập đại công nên hống hách với cả Vũ Đế, dẫn đến phu thê bất hòa. Bấy giờ, Thái úy Vũ An hầu đồn rằng Hoàng đế vô tự thì ngôi Hoàng đế về sau sẽ thuộc về Hoài Nam vương[18].

Năm Kiến Nguyên thứ 2 (139 TCN), Hán Vũ Đế ghé thăm phủ Bình Dương công chúa, đã gặp và sủng hạnh người đẹp Vệ Tử Phu, nhạc nữ của Bình Dương phủ. Ngày hôm sau, Vũ Đế cao hứng ban thưởng Công chúa 1,000 cân vàng rồi mang Tử Phu về cung[19]. Sau khi vào cung, Hán Vũ Đế nhanh chóng quên Vệ Tử Phu, để mặt cho nàng vô sủng sống chen chúc trong hậu cung hơn nghìn người mà chưa một lần được triệu hạnh[20][21][22].

Năm Kiến Nguyên thứ 3 (138 TCN), Hán Vũ Đế sai viên hoạn quan chọn ra các cung nữ lớn tuổi để cho xuất cung về quê. Vệ Tử Phu nghĩ mình không còn cơ hội hầu hạ Hoàng đế nên cũng xin viên hoạn quan cho tên vào danh sách rời cung. Trước khi cung nữ xuất cung, viên hoạn quan đưa họ đến cho Vũ Đế xem mặt lần cuối. Trông thấy Vũ Đế, Tử Phu bật khóc, cầu xin ân chuẩn cho xuất cung[23]. Hán Vũ Đế nhớ lại người đẹp mình đã gặp và sủng ái tại Bình Dương phủ, bèn dắt tay đưa về. Vệ Tử Phu phục sủng và nhanh chóng mang thai[24]. Vệ Tử Phu đắc sủng khiến Quán Đào công chúa vừa căm phẫn, vừa lo lắng cho địa vị của con nên lập mưu trừ khử. Khi đó, Hán Vũ Đế tuyển em của Vệ Cơ là Vệ Thanh vào cung làm việc ở Kiến Chương điện, Quán Đào công chúa nhân cơ hội bắt nhốt Vệ Thanh vào ngục, chuẩn bị xử tử. May có người bạn là Công Tôn Ngao (公孙敖) và các tráng sĩ xông vào cứu, Vệ Thanh mới thoát chết[25].

Khi đó Vệ Tử Phu ngày càng sủng hạnh, Trần Hoàng hậu dần mất đi ân sủng, Quán Đào công chúa oán giận mà nói với chị của Vũ Đế là Bình Dương công chúa rằng:「"Hoàng đế không có ta thì làm sao được lập, nay lại vứt bỏ đi con gái ta, khác nào bội bạc?!"」, Bình Dương công chúa nói:「"Dùng lý do không con, có thể phế"」, Trần Hoàng hậu nghe thế dùng nhiều vàng bạc tìm mọi biện pháp cầu con trai, nhưng vẫn không hiệu quả[26]. Năm Nguyên Quang thứ 5 (130 TCN), có người tố giác Trần Hoàng hậu triệu tập người đồng cốt tên Sở Phục (楚服) vào cung để sử dụng tà thuật Vu cổ giúp bà chóng mang thai, đồng thời cả hai còn gian díu quan hệ đồng tính luyến ái[27]. Hán Vũ Đế vô cùng tức giận, giao cho Trương Thang điều tra, không lâu sau chứng thực và lập tức định tội Hoàng hậu[28]. Cuối cùng, Hán Vũ Đế ra chiếu phế truất Trần Hoàng hậu, đày bà vào Trường Môn cung (長門宮). Hoàng đế ban chiếu lấy lý do rằng:「"Hoàng hậu không con, lại vướng vào việc Vu hoặc, không thể thừa Thiên mệnh. Nay tịch thu ấn, bãi cư Trường Môn cung"」, còn Sở Phục và hơn 300 người bị xử tử[29].

Thành hôn với con nuôi

Năm Nguyên Quang thứ 6 (129 TCN), chồng Quán Đào là Đường Ấp hầu Trần Ngọ qua đời. Do lúc đó bà đã hơn 50 tuổi[30][31] nên không thể tái giá và phải làm góa phụ. Tuy nhiên, bà lại yêu quý mĩ nam là Đổng Yển (董偃).

Nguyên gia đình họ Đổng vốn chuyên làm nghề chế tác châu báu nên từ nhỏ Đổng Yển đã theo mẹ ruột của mình lần lượt tìm tới các nhà quý tộc đại vương để bán các những đồ châu báu do nhà mình làm ra. Một lần Quán Đào công chúa gặp được Đổng Yển, thấy sắc đẹp của anh ta nên rất thèm muốn bèn cho vào làm con nuôi kiêm tình nhân.

Do có sự sủng ái của Quán Đào, Đổng Yển gây dựng được thế lực lớn, đi đâu cũng mang theo tùy tùng trong phủ Quán Đào, nên người đương thời phải sợ, gọi là [Đổng Quân; 董君]. Đổng Yển muốn lấy lòng Vũ Đế, bèn nghe theo lời người An Lăng là Viên Thúc (爰叔) về khuyên Quán Đào tặng Trường Môn viên thuộc sở hữu của mình cho Vũ Đế và bà đã bằng lòng[32]. Vũ Đế biết chuyện cực kì vui mừng, khen ngợi bà và ra lệnh đổi Trường Môn viên làm Trường Môn cung, từ đó thái độ của Vũ Đế đối với bà cũng tốt hơn. Một lần bà bị bệnh, Vũ Đế thân hành đến thăm hỏi, Công chúa bèn đề nghị sẽ lấy Đổng Yển. Tuy việc lấy con nuôi làm chồng là trái với nghi lễ, nhưng do nể tình cô mẫu nên Vũ Đế đành thuận cho bà xuất giá. Từ đó Đổng Yển trở thành ông chủ trong phủ của Quán Đào công chúa[33]. Đổng Yển cũng tìm cách lấy lòng Vũ Đế và được vua yêu thích, muốn phong làm quan. Một hôm, Hán Vũ Đế thiết yến mời vợ chồng Quán Đào công chúa tới dự. Trong buổi tiệc, đại thần Đông Phương Sóc muốn can ngăn Vũ Đế, đã kể ba tội lớn của Đổng Yển trước mặt Vũ Đế: tư thông với công chúa, chưa kết hôn lại sống chung, dụ dỗ vua ăn chơi. Hán Vũ Đế cho là phải và không còn tin tưởng Đổng Yển nữa[30]. Đổng Yển uất ức sinh bệnh và qua đời khi chỉ mới khoảng 30 tuổi.

Năm Nguyên Đỉnh nguyên niên (116 TCN), Quán Đào công chúa lâm trọng bệnh. Trước khi chết, bà yêu cầu con cháu phải chôn mình cùng nơi với Đổng Yển thay vì người chồng trước là Đường Ấp hầu. Không bao lâu sau bà qua đời, thọ hơn 70 tuổi, cùng Đổng Yển hợp táng vào Bá lăng (霸陵). Việc Quán Đào công chúa cùng Đổng Yển được xem là trường hợp Quý nhân công chúa hoàng tộc "vượt rào" đầu tiên trong lịch sử.

Sau lễ tang của Quán Đào công chúa, hai người con trai của bà là Đường Ấp hầu Trần Tu và Long Lư hầu Trần Kiểu do tranh giành tài sản dẫn đến phạm pháp nên đều bị tước bỏ tước vị. Trần Tu sợ hãi bèn tự sát[34].